Cách đây 69 năm, ngày 27/2/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi đến Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc. Trong thư, Bác đã ân cần thăm hỏi, dành sự quan tâm đặc biệt đối với nhân viên y tế, đồng thời Bác đã gửi gắm những lời căn dặn sâu sắc đến những người thầy thuốc Việt Nam.
* Nguồn gốc ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức Hội nghị cán bộ y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế. Đến ngày 06/02/1985 Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định lấy ngày 27/02 hằng năm làm ngày Thầy thuốc Việt Nam để tiếp tục làm theo lời dạy của Bác, nâng cao trách nhiệm, tài đức của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, ngày 27/02 được xem là ngày tôn vinh các y – bác sĩ đã hết mình nỗ lực cống hiến cho nước nhà.
Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn ba điều:
– Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
– Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy , cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
– Xây dựng một nền y học của ta – Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng.
* Ý nghĩa ngày Thầy thuốc Việt Nam
Ngày 27/02 có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với mỗi con người Việt Nam, là dịp để chúng ta tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc Việt Nam. Cũng là ngày để các y, bác sĩ cùng những người làm trong ngành Y tế nhắc nhở bản thân nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh, xem nỗi đau của bệnh nhân như của chính mình như lời Bác Hồ dạy “Lương y phải như từ mẫu”. Nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, tiếp tục xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, xứng đáng niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trải qua 69 năm xây dựng và phát triển lời dạy của Bác đã được ngành Y tế quan tâm thực hiện và không ngừng hoàn thiện bằng những tiêu chí cụ thể, thiết thực. Từ những năm kháng chiến gian khổ, nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã đúc kết thành 3 yêu cầu ngắn gọn dễ nhớ là: bệnh nhân đến tiếp đón niềm nở; Bệnh nhân ở chăm sóc tận tình; Bệnh nhân về dặn dò ân cần, chu đáo.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước nhiều bác sĩ tài năng đã từ bỏ cuộc sống giàu sang ở nước ngoài để đi theo cách mạng kháng chiến, như: Bác sĩ Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ… Đó chính là những người thầy thuốc điển hình về tinh thần yêu nước, thương dân và tấm gương tiêu biểu về y đức. Đó cũng là những người đã xây dựng và dày công vun đắp cho nền y học hiện đại Việt Nam. Giáo sư Hồ Đắc Di từng nói: trong mọi nghề, nghề thầy thuốc và nghề thầy giáo là cao quý nhất. Một mang lại sự sống, một mang lại trí tuệ. Cả hai đều đòi hỏi lương tâm trong sáng… điều đó luôn luôn đúng trong một xã hội nhân văn.
Trong những năm đổi mới, kinh tế, xã hội phát triển các mối quan hệ trong nền kinh tế thị trường và cuộc sống đời thường đan xen nhiều vấn đề phức tạp … Nắm bắt kịp thời những diễn biến của thời cuộc và thấm nhuần sâu sắc quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh, năm 1996 Bộ Y tế đã ra Chỉ thị quán triệt về y đức và quyết định ban hành 12 điều y đức, triển khai học tập sâu rộng trong toàn ngành và công khai đến mọi tầng lớp nhân dân.
Ngoài 12 điều y đức, ngành Y tế còn xây dựng các điều lệ, nội quy, quy trình kỹ thuật để nhân dân biết và kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện. Những việc làm đó đã có tác dụng thiết thực giữ gìn và góp phần nâng cao y đức, hướng tới mục tiêu cao cả nhất là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đó cũng là niềm tin tưởng và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ cán bộ ngành Y tế.
BVĐK tỉnh Gia Lai