Số người tử vong vì bệnh dại gia tăng: Cách nào để phòng tránh?

Trong 2 tháng đầu năm 2024 số người mắc bệnh dại tử vong gia tăng, trong đó do bị chó, mèo cắn là chủ yếu. Người dân cần phải làm gì để không bị bệnh dại trong trường hợp bị chó mèo cắn, cào xước?

Số người tử vong vì bệnh dại gia tăng

Theo nội dung đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người vào ngày 27/3/2024, bệnh dại (bệnh lây truyền từ động vật sang người, thường do chó, mèo cào, cắn) là bệnh nguy hiểm và gia tăng đột biến.

Từ tháng 01/2024 đến tháng 3/2024, cả nước đã xảy ra 27 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2023 có 12 ca), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại đã trên 100.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).

Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 1 ca). Đặc biệt gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vaccine phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Đáng chú ý, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Tỷ tiêm vaccine phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo. Có nơi chỉ đạt xấp xỉ 10%. Trong khi đó, chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêm vaccine dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, vẫn còn không ít tâm lý chủ quan khi cho rằng vật nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ thì sẽ không phải lo về việc nhiễm bệnh nếu chẳng may bị vật nuôi như chó, mèo cào xước, cắn hoặc chỉ cần điều trị bằng cách dùng thuốc nam đắp vào vết thương là khỏi… làm gia tăng số người tử vong do bệnh dại.

Nếu bị chó, mèo cào xước, cắn thì làm ngay những điều này…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết bệnh dại là bệnh nhiễm virus từ động vật, thường là chó, mèo lây sang người bởi nước bọt bị nhiễm virus dại. Các trường hợp nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, liếm, cào của chó mèo mắc bệnh này. Khi đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân tử vong. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

“Thời gian ủ bệnh dại ở người có thể khoảng 9 – 10 ngày hoặc dài trên một năm. Thời gian ủ bệnh tùy theo số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể qua da, vết thương nặng hay nhẹ, khoảng cách từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng ở các vị trí như đầu, mặt, cổ, đầu ngón tay, nơi có các dây thần kinh và gần với hệ thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn”, bác sĩ Khanh nói.

Để đề phòng bệnh dại, bác sĩ Khanh khuyến cáo các bạn trẻ khi bị chó, mèo cắn, cào, cần ngay lập tức rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong vòng 15 phút rồi rửa lại bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn để giảm lượng virus. Sau đó đến cơ sở y tế khám để bác sĩ có chỉ định điều trị bằng vắc xin dại hoặc vắc xin, huyết thanh kháng dại.

“Tuyệt đối không chủ quan là chó mèo mình nuôi đã được tiêm phòng đầy đủ thì sẽ không bị mắc bệnh dại. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào khẳng định chó mèo đã tiêm phòng thì không bị bệnh dại. Vắc xin chỉ hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, ngay khi bị những con vật trên cắn, nạn nhân phải xử trí tại chỗ vết thương và đến ngay cơ sở y tế thăm khám và tiêm phòng”, bác sĩ Khanh lưu ý.

Please Login to Comment.