Ngày Quốc tế Điều dưỡng hằng năm được các nước trên thế giới tổ chức vào ngày 12 tháng 5, ngày sinh của bà Florence Nightingale, để tưởng nhớ những cống hiến to lớn của Bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại cũng như sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội về vai trò của người điều dưỡng trong chăm sóc con người, đặc biệt là chăm sóc người bệnh.
Florence Nightingale (12/5/1820 – 13/8/1910) là một nhà cải cách xã hội, nhà thống kê học người Anh và là nhà sáng lập của ngành điều dưỡng hiện đại. Nightingale trở nên nổi tiếng với vai trò người quản lý và huấn luyện đội ngũ y tá phục vụ trong Chiến tranh Krym, tại đó bà đã tổ chức công tác chăm sóc thương binh ở Constantinopolis. Bà đã góp phần mang đến sự ủng hộ và công nhận cho công việc điều dưỡng và trở thành một biểu tượng quan trọng của thời kỳ Victoria, đặc biệt là với hình ảnh nổi tiếng “Người phụ nữ với cây đèn” đến chăm sóc những người lính bị thương vào ban đêm.
Năm 1860, bà đã đặt nền móng cho ngành điều dưỡng chuyên nghiệp với việc thành lập trường điều dưỡng của mình tại Bệnh viện St Thomas ở London. Đây là trường điều dưỡng thế tục đầu tiên trên thế giới, hiện nay thuộc Đại học Nhà vua Luân Đôn. Vai trò tiên phong trong lĩnh vực điều dưỡng của bà được thể hiện qua Lời cam kết Nightingale mà mỗi điều dưỡng viên tuyên thệ trước khi bắt đầu sự nghiệp, Huân chương Florence Nightingale là danh hiệu quốc tế cao nhất trong ngành điều dưỡng, cùng với ngày Quốc tế điều dưỡng hàng năm được tổ chức vào sinh nhật của Nightingale. Những cải cách xã hội của bà bao gồm cải thiện chăm sóc sức khỏe cho tất cả các thành phần trong xã hội Anh, vận động cứu trợ nạn đói ở Ấn Độ, giúp xóa bỏ luật mại dâm hà khắc đối với phụ nữ, và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động chính quy.
Trong suốt cuộc đời mình những cống hiến không ngừng nghỉ của Nightingale đã đặt nền móng cho ngành điều dưỡng hiện đại. Bà trở thành một tấm gương về lòng nhân ái, sự chăm sóc tận tâm và khả năng quản lý mẫn cán, sáng suốt. Chương trình đào tạo điều dưỡng viên chính thức đầu tiên, Trường Điều dưỡng Nightingale, bắt đầu vào năm 1860 và hiện là Khoa Điều dưỡng và Hộ sinh Florence Nightingale tại Đại học Hoàng đế Luân Đôn.
Nightingale là người tiên phong trong lĩnh vực thống kê. Bà trình bày phân tích của mình dưới dạng đồ họa để dễ dàng rút ra kết luận và đề xuất từ các dữ liệu. Bà đã phát triển một dạng nhánh của biểu đồ tròn hiện được gọi là biểu đồ phân cực, hay biểu đồ hoa hồng Nightingale. Biểu đồ này vẫn thường xuyên được sử dụng trong trực quan hóa dữ liệu.
Trong chiến tranh Krym, Nightingale nổi danh với tên gọi “Người phụ nữ với cây đèn” sau một bài báo đăng trên tờ The Times:
Không ngoa chút nào, bà chính là một “thiên thần săn sóc”, khi bóng hình mảnh khảnh của bà lặng lẽ lướt qua mỗi hành lang, từng khuôn mặt bệnh tật khốn khổ như được xoa dịu bởi ân phước những khi thấy bóng bà. Khi các bác sĩ đã về nghỉ ngơi hết, khi bóng đêm tĩnh mịch phủ lên các hành lang đầy ắp bệnh nhân đau ốm què quặt, bà lại xuất hiện với cây đèn leo lét trên tay, lặng lẽ đi tuần các trại bệnh một mình.
(Trích dẫn trong Cook, E. T. Cuộc đời Florence Nightingale. (1913) Quyển 1, tr 237.)
Florence Nightingale qua đời yên bình trong giấc ngủ tại South Street, Mayfair, London, vào ngày 13 tháng 8 năm 1910, ở tuổi 90. Chính quyền đề nghị chôn cất bà tại Tu viện Westminster nhưng gia đình đã từ chối. Bà được an táng tại nhà thờ St Margaret ở East Wellow, Hampshire, gần Embley Park với bia tưởng niệm chỉ đề tên viết tắt và ngày sinh, ngày mất của bà. Bà đã để lại một khối lượng lớn tác phẩm, bao gồm hàng trăm ghi chú mà trước đây chưa được xuất bản. Một đài tưởng niệm Nightingale bằng đá cẩm thạch Carrara được tạc bởi Francis William Sargant vào năm 1913 đặt trong tu viện của Vương cung thánh đường Santa Croce, ở Florence, Ý.